Huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai),Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu còn bao nhiêu xã sau sáp nhập vào TP. Hồ Chí Minh?
Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh vừa có tờ trình về sắp xếp cấp xã của huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và tỉnh Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu sau khi sáp nhập vào thành phố.
Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh vừa có tờ trình về Dự thảo Tờ trình Ban Thường vụ Đảng ủy UBND Thành phố trình Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố theo Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Căn cứ Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh được đề xuất theo hướng sáp nhập toàn bộ tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai vào TP. Hồ Chí Minh.

Trong đó, Huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai có diện tích tự nhiên 376,8 km², dân số khoảng 263.551 người. Huyện hiện có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 1 thị trấn và 11 xã.
Tỉnh Bình Dương hiện có diện tích tự nhiên là 2.694,70 km², dân số khoảng 2.426.561 người. Về tổ chức hành chính, toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 4 thành phố, 1 thị xã và 4 huyện. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã là 91 gồm 45 phường, 5 thị trấn và 41 xã.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có diện tích 1.980,80 km², dân số khoảng 1.148.000 người, với 7 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 4 huyện. Hiện toàn tỉnh có 77 đơn vị hành chính cấp xã. Theo Nghị quyết số 1256/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/1/2025, tỉnh sẽ thực hiện việc sắp xếp các đơn vị cấp huyện và cấp xã, trong đó có việc hợp nhất hai huyện Long Điền và Đất Đỏ.
Tổng hợp các số liệu trên, sau khi hoàn tất việc sáp nhập huyện Nhơn Trạch và tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP. Hồ Chí Minh, đơn vị hành chính cấp tỉnh mới dự kiến sẽ có diện tích tự nhiên khoảng 7.149,4 km², tăng khoảng 341% so với diện tích hiện tại của TP. Hồ Chí Minh. Quy mô dân số sau sáp nhập đạt khoảng 13.731.151 người, tăng khoảng 137,15%.
Trên cơ sở thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, sau khi sáp nhập tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP. Hồ Chí Minh, các đơn vị hành chính cấp xã sẽ được sắp lại.
Cụ thể, đối với huyện Nhơn Trạch (thuộc tỉnh Đồng Nai), dự kiến sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã hiện có, giảm còn 5 đơn vị mới, đạt tỷ lệ 41,66%, tương ứng giảm 7 đơn vị (tỷ lệ 58,33%).
Tỉnh Bình Dương hiện có 91 đơn vị hành chính cấp xã, sau khi sắp xếp dự kiến giảm còn 37 đơn vị hành chính cấp xã mới, đạt tỷ lệ 40,65%, tương ứng giảm 54 đơn vị (chiếm tỷ lệ 59,34%).
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện có là 77, sau khi sắp xếp dự kiến giảm còn 31 đơn vị mới, đạt tỷ lệ 40,25%, tương ứng giảm 46 đơn vị (tỷ lệ 59,74%).
Tổng số đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh được dự kiến theo hai phương án.
Phương án thứ nhất, sau sáp nhập, tổng số đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ là 105 đơn vị, chiếm tỷ lệ 23,17%, giảm 348 đơn vị hành chính cấp xã cũ, tương ứng tỷ lệ giảm là 76,82%.
Phương án thứ hai, số lượng đơn vị hành chính cấp xã mới được dự kiến là 183 đơn vị, đạt tỷ lệ 40,39%, tương ứng giảm 270 đơn vị hành chính cấp xã cũ, chiếm tỷ lệ 59,60%.
Sau khi sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh mới sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm theo mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 24-NQ/TW phát triển vùng Đông Nam Bộ phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao.
Theo Ngân Nga
baomoi.com