Huyện Nhơn Trạch thay đổi ra sao nếu sáp nhập vào TP. Hồ Chí Minh?
Nếu sáp nhập huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) vào TP. Hồ Chí Minh không chỉ thay đổi địa giới hành chính mà còn mở ra cơ hội phát triển đột phá cho địa phương này.
Từ một huyện ven đô thành cực tăng trưởng chiến lược
Việc đề xuất sáp nhập huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vào TP. Hồ Chí Minh đang trở thành chủ đề thu hút nhiều sự chú ý từ giới chuyên gia, nhà đầu tư và người dân trong vùng.
Nếu đề án này được triển khai, đây sẽ không chỉ là một thay đổi đơn thuần về mặt địa giới hành chính, mà còn có thể tạo ra một bước ngoặt mang tính chiến lược trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhơn Trạch, từ một huyện bán nông thôn, có thể chuyển mình thành khu đô thị hiện đại với quy hoạch bài bản, hạ tầng đồng bộ và nền kinh tế năng động hơn bao giờ hết.

Mới đây, Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh đã có tờ trình về Dự thảo Tờ trình Ban Thường vụ Đảng ủy UBND Thành phố, trình Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố theo Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Trong đó, nội dung nổi bật là đề xuất phương án sáp nhập toàn bộ tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) vào TP. Hồ Chí Minh. Đề xuất này căn cứ theo Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là bước đi lớn nhằm tái cấu trúc vùng, hình thành một “siêu đô thị vùng” đủ sức cạnh tranh quốc tế.
Huyện Nhơn Trạch có diện tích tự nhiên 376,8 km², dân số khoảng 263.551 người, với 12 đơn vị hành chính cấp xã hiện tại gồm 1 thị trấn và 11 xã. Sau khi sáp nhập, huyện dự kiến sẽ sắp xếp lại hành chính cấp xã hiện có xuống còn 5 đơn vị hành chính mới (tương ứng giảm 7 đơn vị, chiếm tỷ lệ 58,33%). Việc tái tổ chức này cho thấy không chỉ là sự sáp nhập đơn giản về mặt địa lý, mà còn là một cuộc “đại chỉnh trang” về tổ chức bộ máy hành chính, phù hợp với xu thế tinh gọn, hiệu quả, hiện đại trong điều hành.
Huyện Nhơn Trạch sở hữu vị trí vàng với ba mặt giáp sông Sài Gòn, đồng thời nằm ngay trung tâm khu tam giác phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh – tỉnh Đồng Nai – tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Đây là khu vực được định hướng phát triển mạnh về công nghiệp, logistics, đô thị sinh thái và dịch vụ cảng biển. Với vị trí trung tâm trong tam giác này, huyện Nhơn Trạch đóng vai trò như cầu nối chiến lược giữa cảng biển quốc tế Cái Mép – Thị Vải, khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh và sân bay quốc tế Long Thành. Không chỉ thuận lợi về đường bộ và đường không, địa phương này còn nắm giữ lợi thế đặc biệt về đường thủy.

Cụ thể, huyện Nhơn Trạch hiện sở hữu 2/3 tổng số cảng biển của tỉnh Đồng Nai với 11 trong tổng số 21 cầu cảng quy hoạch đã được xây dựng, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng lên tới 50.000 DWT – mức mà ít cụm cảng khu vực lân cận đạt được. Trong khi đó, cụm cảng Gò Dầu (huyện Long Thành) hay khu vực Long Bình Tân – Bình Dương chỉ có thể tiếp nhận tàu từ 5.000 DWT đến 30.000 DWT.
Ngoài ra, huyện Nhơn Trạch còn sở hữu vị trí địa lý vô cùng đắc địa khi nằm ngay sát TP. Hồ Chí Minh và tiếp giáp TP. Thủ Đức qua sông Đồng Nai. Khu vực này còn có hàng loạt tuyến giao thông quan trọng như cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành và sắp tới là đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.
Với vị trí địa lý vừa sát TP. Hồ Chí Minh, vừa nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm phía Nam và sở hữu hệ thống cảng biển có quy mô lớn, huyện Nhơn Trạch đang hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành một cực phát triển chiến lược mới trong tương lai gần. Không chỉ là điểm trung chuyển giữa cảng biển quốc tế Cái Mép – Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành và trung tâm công nghệ TP. Hồ Chí Minh, địa phương này còn là đầu mối giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không có tính kết nối cao.
Tác động đa chiều đến phát triển kinh tế – xã hội
Nếu huyện Nhơn Trạch trở thành một phần của TP. Hồ Chí Minh sẽ giúp địa phương này tránh được tình trạng phát triển tự phát, thiếu quy hoạch đồng bộ như trong quá khứ. TP. Hồ Chí Minh đang từng bước xây dựng các tiêu chuẩn mới về quy hoạch đô thị theo hướng bền vững, xanh và thông minh.
Khi được sáp nhập, huyện Nhơn Trạch sẽ có điều kiện để tiếp cận các quy chuẩn đó, tạo ra một không gian sống hiện đại hơn cho người dân, đồng thời thu hút được các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực bất động sản, công nghệ và dịch vụ. Không gian đô thị TP. Hồ Chí Minh sẽ được mở rộng hợp lý, giảm áp lực dân cư cho khu trung tâm và tạo điều kiện hình thành các trung tâm mới về công nghệ, công nghiệp sáng tạo hoặc logistics.
Đối với người dân huyện Nhơn Trạch, đây còn là sự thay đổi trong cách sống, cách quản lý hành chính và cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội tốt hơn. Khi trở thành một phần của TP. Hồ Chí Minh, người dân nơi đây sẽ có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận hệ thống giáo dục, y tế, hành chính công với chất lượng cao.

Đồng thời, người dân nơi đây cũng sẽ được thụ hưởng các tiện ích đô thị hiện đại như giao thông công cộng, công viên, không gian công cộng và các trung tâm thương mại quy mô lớn. Tuy nhiên, đi kèm với những thay đổi tích cực đó sẽ là sự điều chỉnh về chi phí sinh hoạt, thuế và thậm chí là giá đất tăng nhanh, khiến người dân cần có sự chuẩn bị về mặt tâm lý cũng như tài chính.
Thông tin về khả năng sáp nhập đã nhanh chóng tạo ra những chuyển động mạnh mẽ trên thị trường bất động sản tại huyện Nhơn Trạch. Nhiều nhà đầu tư đã đổ về khu vực này để “đón sóng”, khiến giá đất tại một số khu vực giáp ranh với TP. Thủ Đức hoặc gần các tuyến đường dự kiến triển khai đã bắt đầu tăng mạnh.
Giới chuyên gia bất động sản cho rằng, nếu sáp nhập thực sự xảy ra, mặt bằng giá đất tại Nhơn Trạch có thể tăng từ 30- 50% trong vài năm tới. Dù đây là cơ hội lớn, song cũng tiềm ẩn rủi ro sốt đất ảo nếu thiếu thông tin minh bạch và sự điều tiết của chính quyền địa phương.
Ở chiều ngược lại, việc huyện Nhơn Trạch rời khỏi Đồng Nai cũng đặt ra không ít băn khoăn. Đây là một trong những khu vực công nghiệp năng động, đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh. Đồng Nai sẽ cần phải điều chỉnh lại chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời đảm bảo quyền lợi người dân không bị ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình chuyển đổi. Việc chia tách, điều chỉnh địa giới cần được thực hiện minh bạch, có sự phối hợp tốt giữa trung ương và địa phương, đi kèm các cơ chế hỗ trợ cần thiết.
Không thể phủ nhận rằng, sáp nhập huyện Nhơn Trạch vào TP. Hồ Chí Minh là một bước đi táo bạo, nhưng mang tính chiến lược và cần thiết trong bối cảnh đô thị hóa đang lan rộng và nhu cầu mở rộng không gian phát triển ngày càng cao. Nếu được thực hiện đúng cách, bài bản và có lộ trình phù hợp, việc sáp nhập sẽ mở ra một chương mới cho huyện Nhơn Trạch – từ một huyện công nghiệp nhỏ ven sông, vươn mình trở thành cửa ngõ chiến lược, trung tâm phát triển mới của TP. Hồ Chí Minh.
Tương lai của Nhơn Trạch sau sáp nhập là một viễn cảnh nhiều hứa hẹn, nhưng cũng cần được tiếp cận với sự thận trọng, công tâm và định hướng phát triển bền vững. Đó không chỉ là cuộc chuyển đổi địa giới, mà là một cuộc chuyển mình về tư duy phát triển, về cách xây dựng đô thị và về khát vọng vươn lên của cả một vùng đất đầy tiềm năng.
Theo Ngân Nga
Báo Công Thương