Sáp nhập vào TP. Hồ Chí Minh: Phá vỡ ‘ranh giới’ liên kết vùng
Việc sáp nhập Huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP. Hồ Chí Minh chìa khóa để vùng kinh tế phía Nam bứt phá.
Đô thị hạt nhân, kết nối vùng toàn diện
Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh vừa có tờ trình về Dự thảo Tờ trình Ban Thường vụ Đảng ủy UBND Thành phố trình Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố theo Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Căn cứ Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh được đề xuất theo hướng sáp nhập toàn bộ tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai vào TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế quốc gia, đóng góp khoảng 22 – 23% GDP cả nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển nhanh đã khiến thành phố gặp phải hàng loạt thách thức như quá tải hạ tầng, thiếu không gian mở rộng, áp lực dân số và ô nhiễm môi trường gia tăng.
Trong khi đó, các tỉnh lân cận như Đồng Nai hay Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu lại có tiềm năng phát triển lớn nhưng chưa được tích hợp đầy đủ vào “cỗ máy chung” vì bị giới hạn bởi mô hình hành chính phân chia.
Nếu xét về quy mô kinh tế, 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh hiện đang nắm giữ sức mạnh kinh tế vượt trội. Tổng GRDP năm 2024 của ba địa phương này đạt khoảng 2.363.032 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng GRDP cả nước. Tổng thu ngân sách năm 2023 cũng ấn tượng, đạt hơn 539.042 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người cũng cho thấy mức sống cao tại khu vực này: Bình Dương đạt 99,58 triệu đồng/người/năm, Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 64,08 triệu đồng/người/năm, trong khi TP. Hồ Chí Minh đạt 78,2 triệu đồng/người/năm.
Bình Dương với hệ thống khu công nghiệp hiện đại, năng lực thu hút FDI hàng đầu và mạng lưới giao thông kết nối chặt với TP. Hồ Chí Minh – gần như đã là một phần không thể tách rời của vùng đô thị mở rộng.
Còn Nhơn Trạch – nằm giữa TP. Hồ Chí Minh và sân bay Long Thành – là bản lề cho mọi kết nối tương lai giữa hàng không, cảng biển và trung tâm tài chính. Bà Rịa – Vũng Tàu, với cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải và hệ thống hậu cần logistics biển chính là “cửa ngõ chiến lược” mà TP. Hồ Chí Minh đang cần để nâng tầm năng lực cạnh tranh toàn cầu. . Việc những địa phương này tiếp tục tồn tại như các thực thể hành chính riêng biệt sẽ chỉ kéo dài tình trạng phát triển lệch pha, thiếu phối hợp và đầu tư chồng chéo.

là bản lề kết nối giữa hàng không, cảng biển và trung tâm tài chính.
Dự kiến sau sắp xếp, đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sẽ có diện tích tự nhiên 7.149,4 km² (tăng 341% so với hiện nay) và quy mô dân số 13.731.151 người (tăng 137,15%). Với quy mô này, đơn vị hành chính mới không chỉ là đô thị lớn nhất nước mà còn là đô thị hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với mô hình mới sau thành lập, các địa phương sẽ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo định hướng phát triển nhanh, bền vững và tạo đột phá lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tư duy phát triển sẽ được đặt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, đảm bảo phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, tập trung vào công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, và phát triển bền vững.
Do đó, việc sáp nhập sẽ tạo ra một cơ chế vận hành thống nhất, từ quy hoạch hạ tầng, phân bố dân cư, tổ chức sản xuất, đến phân bổ ngân sách và đầu tư công. Thay vì phải mất hàng năm để các tỉnh bàn bạc từng tuyến đường liên tỉnh, TP. Hồ Chí Minh khi được mở rộng có thể trực tiếp chỉ đạo, điều phối và triển khai đồng bộ các dự án chiến lược – đặc biệt là vành đai 3, vành đai 4, metro liên tỉnh, hay các hành lang logistics xuyên vùng.
Trong mô hình mới, vùng đô thị sẽ tập trung xây dựng các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang phát triển. Việc huy động tối đa nội lực, kết hợp với nguồn lực nước ngoài, sẽ tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư lớn, công nghệ cao nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao, nâng năng suất lao động và khả năng cạnh tranh vùng.
Tiểu vùng trung tâm, gồm TP. Hồ Chí Minh, phía Nam tỉnh Bình Dương và Tây Nam tỉnh Đồng Nai, sẽ là đầu tàu tăng trưởng của toàn vùng. Nơi đây sẽ tiếp tục được phát triển mạnh mẽ với các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, giáo dục – đào tạo, y tế, và dịch vụ tài chính quốc tế, trở thành đầu mối giao thương toàn cầu.
TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển mạnh các khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị thông minh, đồng thời xây dựng mới các khu công nghệ thông tin tập trung, thu hút sản xuất điện tử, IoT, trí tuệ nhân tạo tại các khu vực vệ tinh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tiểu vùng ven biển gồm huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) và toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ phát triển các ngành kinh tế biển, logistics, hóa dầu, du lịch biển, khai thác và chế biến thủy sản. Khu vực Cái Mép Hạ sẽ được định hướng trở thành khu thương mại tự do, đẩy mạnh cảng biển và dịch vụ logistics. TP. Vũng Tàu được quy hoạch thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao biển và dịch vụ giải trí chất lượng cao.
Đặc biệt, việc phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sẽ là ưu tiên, gắn chặt với bảo vệ môi trường, chuyển dịch nhanh các ngành sử dụng nhiều tài nguyên sang các ngành ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Thách thức không nhỏ: Từ bộ máy đến lòng dân
Việc sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch vào TP. Hồ Chí Minh là một bước đi táo bạo, thể hiện tầm nhìn chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ một cách toàn diện, thống nhất và bền vững. Tuy nhiên, đây cũng là một quá trình hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quản lý chặt chẽ và đặc biệt là tạo được sự đồng thuận xã hội sâu rộng.

Trước hết, thách thức lớn nhất chính là công tác tổ chức lại bộ máy hành chính và cơ cấu quản trị. Khi sáp nhập ba đơn vị hành chính cấp tỉnh với quy mô lớn, hệ thống quản lý từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã sẽ cần được tái cấu trúc hoàn toàn. Điều này không chỉ liên quan đến tổ chức nhân sự, phân bổ biên chế mà còn ảnh hưởng đến cơ sở pháp lý, chức năng quản trị, hạ tầng hành chính và hệ thống dữ liệu dân cư, đất đai, tài sản công. Nếu không có kế hoạch rõ ràng, lộ trình phù hợp và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, nguy cơ rối loạn cục bộ trong giai đoạn chuyển tiếp là hoàn toàn có thể xảy ra.
Để hạn chế rủi ro, cần xây dựng lộ trình chuyển đổi chia thành nhiều giai đoạn cụ thể: chuẩn bị thể chế, thí điểm và vận hành đầy đủ trong khoảng 3 – 5 năm. Mỗi giai đoạn cần xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu và các tiêu chí đánh giá tiến độ.
Một vấn đề lớn khác là sự đồng thuận của người dân và chính quyền địa phương. Việc thay đổi địa giới hành chính có thể làm phát sinh tâm lý lo lắng, phản ứng trái chiều từ người dân vì sợ mất bản sắc văn hóa địa phương, thay đổi chính sách, điều chỉnh quyền lợi liên quan đến đất đai, an sinh xã hội. Cần phải nhìn nhận đây là phản ứng hợp lý, vì mỗi địa phương đều có bề dày lịch sử, truyền thống và cấu trúc xã hội đặc thù. Để tạo được đồng thuận, chính quyền phải có chiến lược truyền thông minh bạch, thường xuyên đối thoại chính sách với người dân, tổ chức các hội nghị tham vấn cộng đồng để giải thích rõ mục tiêu, lộ trình, quyền lợi và trách nhiệm của các bên trong quá trình sáp nhập.
Một rủi ro lớn nữa là sự biến động thị trường bất động sản, đặc biệt tại các khu vực giáp ranh hoặc đang được quy hoạch phát triển mới. Trong thời gian qua, ngay khi có thông tin sáp nhập, giá đất tại một số khu vực như Nhơn Trạch, Dĩ An, Cần Giờ đã tăng mạnh. Nếu không kiểm soát, tình trạng đầu cơ đất đai, thổi giá bất động sản có thể dẫn đến bong bóng tài sản, gây bất ổn cho thị trường, đồng thời làm mất cơ hội tiếp cận đất đai của người thu nhập thấp.

Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước cần sớm công bố các quy hoạch tích hợp mới một cách minh bạch, chủ động kiểm soát dòng vốn vào bất động sản bằng công cụ tài chính – tín dụng, đồng thời phát triển mạnh các quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chung cư thương mại giá hợp lý, nhằm đảm bảo đa dạng nguồn cung và tạo cân bằng thị trường.
Khoảng cách phát triển nội vùng sau sáp nhập cũng là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm. Trong khi TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương có nền kinh tế phát triển cao, thì một số địa phương như huyện Cần Giờ, huyện Châu Đức, hoặc các xã vùng xa của Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn hạn chế về cơ sở hạ tầng, tiếp cận dịch vụ công, y tế, giáo dục. Việc sáp nhập nếu không đi kèm với cơ chế phân bổ nguồn lực hợp lý sẽ làm gia tăng bất bình đẳng trong một không gian đô thị thống nhất.
Để khắc phục điều này, cần có chính sách phân bổ ngân sách nội vùng theo hướng ưu tiên đầu tư công và hạ tầng xã hội tại các khu vực ít phát triển, kết hợp với việc xây dựng hệ thống dữ liệu lớn để phân tích nhu cầu phát triển theo từng khu vực. Đồng thời, một cơ chế điều phối tài chính vùng với tiêu chí phân bổ minh bạch, công bằng là cần thiết nhằm đảm bảo các khu vực yếu thế được tiếp cận nguồn lực để phát triển tương xứng.
Việc sáp nhập sẽ là tiền đề quan trọng để Việt Nam thí điểm mô hình “đô thị vùng” – trong đó TP. Hồ Chí Minh là hạt nhân trung tâm, kết nối và điều phối hiệu quả các tiểu vùng xung quanh như một thể thống nhất nhưng vẫn đảm bảo tính linh hoạt và phân quyền cần thiết. Điều này cũng phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại của các siêu đô thị trên thế giới, nơi các thành phố không phát triển đơn lẻ mà trở thành trung tâm của một vành đai đô thị – công nghiệp – dịch vụ tích hợp, phát triển bền vững và có sức lan tỏa toàn vùng.
Theo Ngân Nga
Báo Công Thương