Tin mới nhất

Sân bay Long Thành, biểu tượng mới của năng lực Việt Nam – Bài 1: Thiết lập những chuẩn mực mới trong ngành xây dựng

Không chỉ là biểu tượng của tầm nhìn trong quy hoạch, ý chí và khả năng của Việt Nam, dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai) còn là minh chứng sống động cho thấy hiệu quả của cải cách thể chế và sự phối hợp đa ngành, đa cấp trong điều hành phát triển hạ tầng quy mô lớn.

Giữa cái nắng như đổ lửa đầu cuối mùa khô miền Đông Nam Bộ, nơi nền nhiệt có khi đến hơn 40 độ C, từng dòng công nhân, kỹ sư, người lao động (NLĐ) vẫn hân hoan tới đại công trường sân bay Long Thành từ 6h sáng; làm việc không chỉ với tay nghề chuyên môn cao, mà còn với tinh thần trách nhiệm trước công trình mang ý nghĩa quốc gia.

Liên ngành – đa tầng – xuyên cấp

Ban Quản lý dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (BQL) cho biết, hơn 10 ngàn kỹ sư, công nhân, chuyên gia trong nước và quốc tế đang làm việc hàng ngày trên công trường dự án, triển khai đồng loạt hạng mục nhà ga hành khách, đường cất/hạ cánh, sân đỗ, tháp không lưu, hệ thống giao thông nội bộ… Trong giai đoạn cao điểm hiện nay, nhiều hạng mục quan trọng đang được đẩy nhanh thi công để kịp hoàn thành tiến độ; như đường cất/hạ cánh sẽ hoàn thành trước 30/4, vượt kế hoạch ban đầu 3 tháng; là bước ngoặt chứng minh năng lực tổ chức và thi công của Việt Nam đã tiến lên một đẳng cấp mới.

Tại nhà ga hành khách, “trái tim” của sân bay Long Thành giai đoạn 1, hơn 5.000 NLĐ và 1.000 thiết bị máy móc đang chia ca làm việc ngày đêm, bất kể lễ, Tết. Các hạng mục thi công vách kính, lắp hệ thống cơ điện (MEP), ống gió, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, dây chuyền vận chuyển hành lý… đều đang triển khai đồng thời trên nhiều mặt bằng. Phần mái vòm trung tâm được xem là kết cấu thép khó thi công nhất cả nước đã được nâng thành công, tạo dáng vóc ban đầu cho nhà ga quy mô hàng đầu Đông Nam Á.

Tại gói thầu thi công đường cất/hạ cánh, gần 30 mũi thi công triển khai từ sau Tết Nguyên đán. Ông Lê Văn Tiến, Chỉ huy trưởng Liên danh nhà thầu, cho biết, toàn bộ lực lượng thi công được giữ nguyên 100% công suất xuyên lễ. Đường cất/hạ cánh đã đạt trên 90% khối lượng. Hệ thống điện, thoát nước, sơn kẻ vạch đang hoàn tất những công đoạn cuối. Dự kiến trước 30/4/2025, đường cất/hạ cánh sẽ sáng đèn, sẵn sàng phục vụ bay hiệu chuẩn kỹ thuật, là dấu mốc then chốt đánh giá chất lượng vận hành ban đầu của sân bay. Việc hoàn thành sớm hạng mục này còn chứng minh năng lực thi công điều phối của các nhà thầu trong nước đã tiệm cận chuẩn quốc tế.

Tại hạng mục sân đỗ tàu bay và đường lăn, hơn 1.400 NLĐ cùng 444 thiết bị đang gấp rút thi công lu lèn, đắp nền, xử lý hầm, lắp đặt hệ thống thoát nước kỹ thuật cao. Tại hạng mục giao thông nội khu và cầu cạn đang triển khai đồng loạt các công trình hồ điều hòa, tuynel kỹ thuật, đường kết nối trung tâm điều hành.

Hiệu quả thi công tại Long Thành không chỉ đến từ số lượng NLĐ, mà còn là hiệu quả trong cách tổ chức đồng bộ, chuyên nghiệp, công nghệ hóa.

Ông Dương Quang Điện, Phó Giám đốc Thường trực BQL chia sẻ: “Tất cả nhà thầu đều đang chạy nước rút trong mùa khô. Từng ngày nắng là từng ngày quý giá để đẩy nhanh khối lượng thi công, bù đắp cho các giai đoạn mưa bão sau này”.

Cũng theo ông Điện, sân bay Long Thành không chỉ là một bài toán xây dựng, mà còn là thử thách tổ chức liên ngành – đa tầng – xuyên cấp. Hệ thống điều hành bay, tháp không lưu, cung cấp nhiên liệu, an ninh hàng không, dây chuyền xử lý hành lý… đều phải đồng bộ và kiểm thử trước khi đi vào vận hành. Hiện các gói thiết bị đặc chủng như bồn nhiên liệu, hệ thống hydrant pit, hệ thống radar, thiết bị kiểm tra an ninh, máy bơm, xe tiếp nhiên liệu đã bắt đầu được đặt hàng, nhập khẩu. Việc vận hành thử đòi hỏi không chỉ năng lực kỹ thuật, mà còn cần chuỗi cung ứng đồng bộ, phối hợp giữa nhiều nhà thầu và đơn vị tư vấn quốc tế.

Phía sau những kỷ lục thi công

Phía sau những kỷ lục sản lượng và tiến độ là mồ hôi, nghị lực, lòng kiên cường của từng NLĐ. Phó Giám đốc điều hành thi công nhà ga Nguyễn Đức Thuận nói: “Dù nắng nóng gay gắt, anh em vẫn chia ca luân phiên, bữa ăn ngay tại lán trại, tranh thủ từng giờ để giữ nhịp thi công. Nhiều người làm xuyên Tết, xuyên lễ vì mỗi ngày chậm là cả dự án chậm theo’”.

Chị Ngô Thị Mai, công nhân hàn kết cấu thép chia sẻ: “Làm công trình này, ai cũng tự hào. Biết là cực, nhưng nghĩ mình góp phần xây sân bay quốc gia, nên vui lắm. Mẹ tôi ở quê gọi điện động viên hoài”.

Anh Nguyễn Minh Duy, kỹ sư cơ điện thuộc gói thầu 5.10 chia sẻ với giọng khàn đặc sau ca trực 12 tiếng đồng hồ: “Chúng tôi quen với việc ăn trưa dưới bóng container, làm việc dưới nắng từ sáng đến tối. Có người đã gác lại đám cưới, người hoãn việc gia đình. Không ai than phiền. Vì ai cũng muốn góp phần xây nên một công trình chứng minh ý chí, năng lực Việt Nam”.

Bất chấp nắng nóng như thiêu đốt, mỗi ngày hơn 10.000 NLĐ vẫn miệt mài trên công trường – Ảnh : Duy Khương.

Tại một khu vực khác, tổ thi công điện nhẹ thuộc hệ thống nhà ga hành khách đang hoàn thiện lắp đặt tủ điện, kết nối hệ thống báo cháy, thông gió. Trong tiếng gió nóng hầm hập, kỹ sư Lê Thị Ánh Tuyết nói: “Dù là phụ nữ, nhưng tôi xác định đã tham gia công trình thì không có sự khác biệt nam nữ. Nắng thiêu cháy da, nhưng không thể đốt được quyết tâm của tập thể”.

Hiệu quả thi công tại Long Thành không chỉ đến từ số lượng NLĐ, mà còn là hiệu quả trong cách tổ chức đồng bộ, chuyên nghiệp, công nghệ hóa khi thi công siêu dự án. BQL và các liên danh nhà thầu đang ứng dụng hệ thống quản lý tiến độ theo mô hình BIM (Building Information Modeling), sử dụng camera Ai để giám sát chất lượng thi công và an toàn lao động, tích hợp báo cáo sản lượng theo thời gian thực. “Trước đây, một số công trình lớn bị chậm do chia nhỏ nhà thầu, thiếu điều phối. Long Thành đang chứng tỏ bước thử nghiệm thành công cho mô hình tổng điều phối thống nhất, nơi mỗi mắt xích đều được số hóa, kiểm soát”, ông Điện nhấn mạnh.

Với hơn 40% sản lượng giai đoạn 1 đã hoàn thành, dự án không chỉ đang vượt tiến độ nhiều hạng mục, mà còn thiết lập một chuẩn mực điều hành mới, buộc các cơ quan liên quan phải “làm thật, làm đúng, làm nhanh”.

“Phải là tiền lệ tốt về tiến độ, kỹ thuật, liêm chính”

Không thể coi Long Thành như một sân bay đơn thuần. Khi đi vào vận hành, Long Thành sẽ tạo sức hút đầu tư dây chuyền cho các ngành công nghiệp hậu cần, logistics, thương mại điện tử, chế biến xuất khẩu, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D)…

Theo Bộ KH&CN, tính đến đầu 2025, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã chuẩn bị gần 7.000ha đất sạch để mời gọi đầu tư vào khu công nghiệp thông minh, kho vận hàng không, trung tâm công nghệ cao; trong đó lấy Long Thành làm “điểm tựa”. Các tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Vành đai 3, Vành đai 4 TP HCM, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành đều đang được đẩy nhanh để khép kín mạng lưới kết nối trung tâm và vùng vệ tinh, hình thành một hành lang kinh tế phía Đông hoàn chỉnh.

Với vị trí trung tâm vùng Đông Nam Bộ, sân bay Long Thành như “trái tim kết nối” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đây, những nhịp đập mới đang lan tỏa ra các đô thị vệ tinh Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai), Dĩ An (Bình Dương), Bà Rịa (Bà Rịa – Vũng Tàu), Thủ Đức (TP HCM)… Những dự án hạ tầng dọc theo trục sân bay không chỉ mang tính kết nối, còn là “bệ phóng” tái cấu trúc đô thị, công nghiệp theo mô hình tích hợp. Mô hình “aerotropolis” (đô thị sân bay) đang từng bước được hiện thực hóa, với sân bay làm trung tâm phát triển kinh tế và đô thị, thay vì chỉ là điểm đi và đến. Long Thành không chỉ là sân bay, mà sẽ là nơi khởi đầu cho hành trình dịch chuyển của các dòng vốn, công nghệ, nhân lực…

Không chỉ là công trình xây dựng, nhà ga sân bay Long Thành còn là biểu tượng văn hóa, hội tụ những đường nét kiến trúc lấy cảm hứng từ hình ảnh hoa sen cách điệu là biểu tượng quốc gia Việt Nam. Nhà ga được thiết kế theo tiêu chuẩn 4 sao quốc tế, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và ứng dụng công nghệ thông minh trong vận hành.

Đặc biệt hơn cả, sân bay Long Thành còn là biểu tượng của một giai đoạn phát triển mới, là bài kiểm tra thể chế. Thành công của Long Thành không chỉ đo bằng km đường băng, số cổng ra máy bay… mà còn đo bằng khả năng tổ chức điều phối, bằng quyết tâm hành động, bằng những đổi mới từ quy định trên văn bản tới thực tế công trường. Chính phủ đã giao quyền điều phối cho Đồng Nai trong các hạng mục giải phóng mặt bằng, hạ tầng ngoài hàng rào. Nhiều cơ chế đặc thù như rút ngắn thủ tục đầu tư, phân cấp quyết định cho BQL, lồng ghép quy hoạch vùng… đã được áp dụng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thị sát công trường vào tháng 3/2025 vừa qua đã khẳng định: “Không được để Long Thành trở thành tiền lệ xấu. Phải là tiền lệ tốt về tiến độ, về kỹ thuật, về liêm chính”. Và đến nay, tiến độ vượt kế hoạch, công trường sáng đèn xuyên lễ, kỷ luật được giữ vững, là minh chứng cho thấy những chỉ đạo của Thủ tướng đã được thực thi chặt chẽ.

Chiều muộn. Gió vẫn cuộn bụi vàng mờ cả bầu trời. Nhưng ở cuối đường băng dài hơn 4.000m, những công nhân, kỹ sư vẫn đang đổ những lớp bê tông cuối cùng. Họ tâm sự không đợi đến ngày khánh thành để cảm nhận tự hào. Với họ, mỗi ngày trên công trường là một ngày tự hào.

(Còn tiếp)

Theo Duy Khương

Báo Pháp Luật