Nhơn Trạch trong hành trình phát triển
Nhơn Trạch có lịch sử hình thành và phát triển hơn 320 năm; là vùng đất đa hệ về sinh thái, có địa thế trung chuyển trong kết nối vùng, thuận lợi về sản xuất và giao thương, đắc địa về an ninh quốc phòng, nhiều lợi thế trong xây dựng hạ tầng phát triển công nghiệp. Trong nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, Nhơn Trạch chưa từng thuộc tỉnh, thành nào khác ngoài Đồng Nai.

Có thể gọi Nhơn Trạch là vùng đất có ưu thế “địa kinh tế” và “địa chính trị”. Hay nói cách khác, Nhơn Trạch là vùng đất hội đủ “Thiên thời – địa lợi – nhân hòa”.
Bảo vật của thiên nhiên
Nhơn Trạch như là bảo vật được thiên nhiên ban tặng cho địa thế và sản vật giàu đẹp. Nhơn Trạch thuộc loại địa hình tích tụ, nguồn vật liệu dồi dào cho xây dựng; địa mạo nền vững, thuận lợi cho việc xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, khu dân cư; đất đai nhiều nhóm có thể phát triển trồng trọt và chăn nuôi; sông rạch chằng chịt, chịu ảnh hưởng mạnh bởi chế độ thủy triều vùng cửa sông, đa nguồn nước, gồm nước mặn – nước ngọt – nước lợ; rừng giồng nối liền rừng sác, đa hệ sinh cảnh, giàu sản vật; khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, ôn hòa, tốt cho vạn vật, thuận cho con người sinh sống và phát triển sản xuất.
Với đặc điểm tự nhiên như thế, Nhơn Trạch không chỉ giàu đẹp mà còn là địa bàn có vị trí chiến lược cho việc thiết lập hệ thống quản lý. Nhơn Trạch là trung tâm kết nối của vùng động lực bằng đường biển, đường sông, đường bộ, đường hàng không đều thuận lợi.
Nhơn Trạch cùng Long Thành cặp theo quốc lộ 51 nối huyết mạch xa lộ Biên Hòa với Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng là nối vùng sông rạch với miền rừng bán sơn địa. Tỉnh lộ 19 nối với tỉnh lộ 17 tại ngã ba Phước Thiền chạy ra khu vực xã Đại Phước tạo ra khu Lòng Chảo nối tiếp với Rừng Sác mênh mông, ôm gọn sông Lòng Tàu, thông với Cần Giờ ra biển khơi, tiếp cận hải phận quốc tế.
Thấm đượm tình người
Theo Lương Văn Lựu, tên gọi Nhơn Trạch có lẽ lấy từ chữ trong cổ thư “Nhân nhân quân tử, Trạch tâm trung hậu”. Có người giải thích theo cách chiết tự: “Nhơn Trạch là vùng đất thấm đượm tình người”. Lý giải cách nào thì Nhơn Trạch cũng được hiểu là vùng đất hội đủ thiên thời – địa lợi – nhân hòa; trong đó, nhân lực – nhân tâm là chính, kết tinh giá trị của văn hóa Việt Nam, thể hiện bản sắc của địa phương, có vị thế địa kinh tế và địa chính trị kết nối liên vùng.
Ở Nhơn Trạch, còn nhiều di tích, di chỉ của người tiền sử sinh sống cách đây hơn 2.500 năm. Thời tiền sử đã lùi xa, không còn dấu vết về tổ chức của cộng đồng. Thời kỳ triều Nguyễn, khu vực này thuộc tổng Thành Tuy Hạ của huyện Long Thành. Năm 1960, chính quyền Việt Nam cộng hòa thành lập quận Nhơn Trạch trên cơ sở tách 12 xã ven tỉnh lộ 17 và 19 thuộc quận Long Thành. Sau năm 1976, quận Nhơn Trạch được sáp nhập trở lại với huyện Long Thành. Đến ngày 1-9-1994, huyện Nhơn Trạch được tái lập theo Nghị định số 51/CP của Chính phủ trực thuộc tỉnh Đồng Nai.
Nhơn Trạch là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều di tích lịch sử như: Địa đạo Nhơn Trạch, Đền thờ liệt sĩ huyện, và các đình, chùa cổ kính. Huyện cũng có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa sinh thái nhờ hệ thống sông ngòi và rừng ngập mặn phong phú. Kinh tế và phát triển Nhơn Trạch có vị trí chiến lược, gần các cảng biển lớn như Cảng Cát Lái, Cảng Phước An và Cảng Phú Hữu, thuận lợi cho hoạt động logistics và xuất nhập khẩu. Huyện cũng nằm gần Cảng hàng không quốc tế Long Thành hứa hẹn thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
Trang sử vẻ vang
Chính quyền ngoại xâm Pháp và Mỹ đều xem Nhơn Trạch là trọng địa, tập trung nơi đây căn cứ và binh lực hiện đại nhất với quyết tâm cao nhất, càn quét nhiều nhất để bảo vệ cơ quan đầu não. Cũng chính vì vậy, Đảng chọn Nhơn Trạch làm địa bàn chiến lược, lãnh đạo xây dựng phong trào cách mạng đấu tranh quyết liệt làm thất bại mọi âm mưu của địch, bảo vệ quê hương, góp phần cho thắng lợi chung.
Nhân dân huyện Nhơn Trạch có truyền thống yêu nước, đoàn kết, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp ngay khi chúng nổ súng xâm lược tỉnh Biên Hòa (tháng 12-1861). Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, Nhơn Trạch cùng Long Thành là địa phương sớm có chi bộ Đảng Cộng sản (năm 1944) và tổ chức Mặt trận Việt Minh của huyện (năm 1944), là yếu tố quan trọng để lãnh đạo nhân dân trong huyện làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở địa phương.
Trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975) quân dân Nhơn Trạch dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã đoàn kết một lòng chung tay góp sức, đấu tranh kiên cường, vượt qua nhiều gian khổ, thử thách hy sinh, lập nhiều thành tích trên các mặt trận góp sức cùng cả tỉnh hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ và nhân dân Nhơn Trạch – Long Thành đã thực hiện chiến lược đại đoàn kết dân tộc, phát huy nội lực khắc phục hậu quả chiến tranh; đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới, xây dựng phát triển hạ tầng cơ sở vật chất, mở mang các khu công nghiệp, giữ vững an ninh chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, từng bước xây dựng nông thôn mới để đạt mục tiêu phát triển bền vững, trở thành huyện công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.
Nhơn Trạch được xem là huyện anh hùng vì nhiều thành tích anh hùng ở khắp các địa bàn thuộc huyện, trong chiến đấu cũng như trong lao động. Đảng bộ và Nhân dân huyện Nhơn Trạch được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1996 và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2021, đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới năm 2015.
Theo Huỳnh Văn Tới
Báo Đồng Nai