Bình Dương sắp có tuyến metro đầu tiên
Tuyến metro đầu tiên của Bình Dương sẽ kết nối thành phố mới Bình Dương với Suối Tiên (Tp.HCM) dài 32,43km, tốc độ tối đa 120 km/ giờ, tổng mức đầu tư khoảng 64.370 tỉ đồng. Dự án dự kiến khởi công vào năm 2027 và đưa vào vận hành từ năm 2031.
Trong quy hoạch phát triển hệ thống giao thông, Bình Dương đang phát triển mô hình giao thông TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng), để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán hiện đại, mở ra không gian phát triển đô thị, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Triển vọng phát triển Metro TOD kết nối tại Bình Dương mang lại nhiều cơ hội phát triển cho tỉnh trong thời gian tới, nhất là vành đai nơi đặt các nhà ga có tuyến metro đi qua.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, các báo cáo khả thi tuyến đường sắt đô thị số 1 kết nối thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên (Tp.HCM) đang khẩn trương hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của chuyên gia và lãnh đạo tỉnh để sớm hoàn thiện trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư dự án.
Dự kiến, dự án có điểm đầu là nhà ga S1 tại trung tâm thành phố mới Bình Dương (phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một) và điểm cuối là ga Bến xe Suối Tiên thuộc tuyến Metro số 1 Tp.HCM, với tổng chiều dài 32,43km, bao gồm tuyến chính dài 29,01km và đoạn nối Depot dài 3,42km.
Tuyến Metro số 1 đầu tiên của tỉnh Bình Dương sẽ đi qua 4 thành phố: Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An với 19 nhà ga và 1 Depot tại phường Phú Chánh, TP.Tân Uyên. Tuyến có tốc độ tối đa 120 km/ giờ, tổng mức đầu tư khoảng 64.370 tỉ đồng. Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào năm 2027, hoàn thành và đưa vào vận hành từ năm 2031.

Các phương án đầu tư được nghiên cứu khả thi, gồm: Phương án 1 sẽ đầu tư công toàn tuyến 32,43km; phương án 2 là đầu tư công từ vòng xoay A1 đến Suối Tiên dài 29,01km, không đầu tư Depot tại phường Phú Chánh, TP.Tân Uyên nên sẽ giảm được khoảng 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phát triển các Depot cho tuyến metro là rất quan trọng, vì góp phần phục vụ cho công tác vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa…
Với việc đầu tư tuyến Metro số 1 và các tuyến metro tiếp theo sẽ giúp Bình Dương tăng cường kết nối giao thông; đặc biệt với Tp.HCM, giảm tải áp lực giao thông đường bộ hiện nay, giúp người dân di chuyển thuận tiện và nhanh chóng giữa khu vực trọng điểm giữa Bình Dương và Tp.HCM.
Cùng với đó, việc phát triển metro theo mô hình TOD sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo ra các khu đô thị tích hợp xung quanh các nhà ga, không gian phát triển rộng hơn. Các nghiên cứu và thực tiễn tại các nước phát triển metro cho thấy, metro theo mô hình TOD góp phần nâng cao giá trị bất động sản, tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư. Phát triển metro còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông, đồng thời giúp đạt mục tiêu phát triển theo hướng đô thị bền vững. Hơn hết, việc kết nối các tuyến metro trong tương lai góp phần thay đổi diện mạo của tỉnh, mang lại nhiều lợi ích, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Vừa qua, tuyến metro số 1 Tp.HCM đi vào vận hành đã tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản dọc tuyến đường này. Nhờ tốc độ di chuyển nhanh cùng những điểm mới trong luật giao thông đường bộ ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương tiện di chuyển của người dân. Từ đó tác động đến việc lựa chọn nơi an cư. Khi Bình Dương có thêm tuyến metro kết nối với Tp.HCM kì vọng gia tăng sức hút cho các dự án bất động sản có vị trí gần tuyến. Trong tương lai, việc kết nối giữa các dự án BĐS tại Bình Dương vào trung tâm Tp.HCM càng được rút ngắn.

Điều này đã được chứng minh từ các tuyến metro đã vận hành tại khu vực Hà Nội.
Trong phân tích mới đây, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam đã chỉ ra tác động của giao thông công cộng TOD với thị trường bất động sản. Theo ông Tuấn, cốt lõi của TOD – đô thị định hướng giao thông công cộng là quy hoạch, phân vùng và xây dựng các cộng đồng chức năng. Một số khu TOD ít được quan tâm do vị trí ở ngoại thành, chưa có nhiều tiện ích cũng có thể bất ngờ trở thành tâm điểm khi tuyến metro đi vào hoạt động và các dự án phụ trợ hoàn thiện như các nút giao vành đai 3, nút giao HCM-LT, nút giao Tân Vạn, nút giao Bình Chuẩn, nút giao Tỉnh lộ 10, nút giao Trung Lương, nút giao Bến Lức Long Thành… “Cơ hội về giá bất động sản quanh tuyến metro chắc chắn sẽ gia tăng, như dữ liệu của Batdongsan đã từng chỉ ra, ở khu vực quanh tuyến 2A Cát Linh Hà Đông giá căn hộ tăng từ 17 cho đến 21%”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng, từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông huyết mạch, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Cùng với đó, việc chuẩn bị phát triển các tuyến đường sắt nhẹ (BRT), tuyến LRT trong tương lai sẽ hình thành mạng lưới giao thông phục vụ đắc lực cho các tuyến metro. Mô hình Metro TOD của tỉnh sẽ gắn với các tuyến đường sắt đô thị kết nối Tp.HCM, Đồng Nai và các đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh… trong tương lai, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đặc biệt là các tuyến đường kết nối vùng.
Theo Tiểu Bảo
Báo An Ninh Tiền Tệ