Tin mới nhất

Chung cư ở Hà Nội và TPHCM chịu được động đất bao nhiêu độ?

Chuyên gia cho rằng đa số nhà cao tầng tại Việt Nam được thiết kế để chịu động đất khoảng 5,5-6,5 độ nhưng một số công trình quan trọng có thể chịu được hơn 7 độ nếu được thiết kế đặc biệt.

Trận động đất 7,7 độ ngày 28/3 ở Myanmar đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người, khiến nhiều công trình nhà ở, giao thông thiệt hại nặng nề, tạo nên khung cảnh hoang tàn, đổ nát.

Đáng chú ý, do ảnh hưởng của trận động đất này, dù cách tâm chấn 1.000km, một tòa nhà 34 tầng đang xây dựng dở ở Bangkok (Thái Lan) vẫn bị đổ sập.

Ở Việt Nam, cơ quan chức năng đã ban hành các quy định về chống chịu động đất cho các công trình cao tầng.
Ảnh minh hoạ

Tại Việt Nam, nhiều người dân sinh sống ở một số khu vực của Hà Nội, TPHCM cũng cảm nhận rõ sự rung lắc khi ở trên các tòa nhà cao tầng khi xảy ra động đất. Một số đồ đạc bị rơi, vỡ.

Một chung cư ở TPHCM xuất hiện nhiều vết nứt, gạch nền bị phồng. Qua thống kê ban đầu, có hơn 300 căn hộ xảy ra hiện tượng này với các mức độ khác nhau, nghi do dư chấn động đất tại Myanmar.

Khả năng chống chịu của các tòa nhà cao tầng, chung cư trong động đất vì thế trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi. Nhiều người đặt câu hỏi, Việt Nam có quy định về khả năng chống chịu động đất của các công trình khi xây dựng hay không? Các tòa nhà cao tầng, chung cư hiện nay có thể chịu được động đất bao nhiêu độ?

Đã có những quy định nghiêm ngặt

Các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng và kết cấu công trình đều cho rằng người dân không nên hoang mang, lo lắng sau khi xem các hình ảnh từ Thái Lan. Bởi, Việt Nam đã có những quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt về việc chống chịu động đất cho các công trình xây dựng.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Văn Thịnh – nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng – cho biết tại Việt Nam, việc thiết kế và thi công các công trình xây dựng, đặc biệt là các tòa nhà cao tầng, phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt nhằm đảm bảo khả năng chống chịu động đất.

Cụ thể, điều 91 của Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) hay tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9386:2012 và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02:2022/BXD đều đưa ra các quy định, tiêu chuẩn về thiết kế công trình chịu động đất kể cả việc đánh giá nguy cơ động đất, tính toán tải trọng động đất và thiết kế cấu trúc phù hợp để chống chịu các tác động của động đất.

Nhiều người ở Hà Nội chạy xuống khỏi các tòa nhà cao tầng khi có rung lắc chiều 28/3 .
Ảnh: Hoàng Anh

“Việt Nam đã xây dựng bản đồ gia tốc nền cho tất cả các khu vực, phân loại theo 3 mức độ: Động đất mạnh, yếu và rất yếu. Tùy thuộc vào mức độ nguy cơ động đất tại từng khu vực, các yêu cầu về kháng chấn sẽ được điều chỉnh tương ứng. Ví dụ, ở khu vực có động đất mạnh, công trình phải được thiết kế với khả năng kháng chấn cao hơn so với khu vực có động đất yếu hoặc rất yếu”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm về vấn đề này, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho hay Việt Nam có các tiêu chuẩn quy định về khả năng chống chịu động đất và có phân vùng mức độ động đất ở từng khu vực.

Theo quy định, các đơn vị phải căn cứ vào mức độ nguy cơ động đất ở vùng đó để thiết kế vượt lên trên cấp động đất có thể xảy ra nhằm bảo đảm an toàn cho công trình. Chính vì thế, Việt Nam dù chịu ảnh hưởng của một số vụ trận động đất song đến nay vẫn chưa có vụ nào gây ra thiệt hại lớn.

Khả năng chống chịu động đất của các tòa nhà tại Việt Nam

Về khả năng chịu động đất của các tòa nhà cao tầng tại Việt Nam, vị nguyên Trưởng phòng Giám định 1, cho rằng điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiêu chuẩn thiết kế, vị trí địa lý, chất lượng thi công và nền đất.

Theo các quy chuẩn xây dựng hiện hành, tòa nhà cao tầng ở Việt Nam thường được thiết kế theo TCVN 9386:2012, với yêu cầu công trình chịu được động đất cường độ khoảng 5,5-6,5 độ.

Theo ông Thịnh, Việt Nam có các khu vực có nguy cơ động đất khác nhau. Các vùng như Hà Nội, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Nam có thể xảy ra động đất 5,5-6,5 độ. Còn TPHCM, Đà Nẵng nằm ở vùng có nguy cơ thấp hơn, thường chỉ thiết kế chịu động đất khoảng 5-6 độ.

Những công trình quan trọng hoặc cao cấp có thể được thiết kế để chịu được động đất mạnh hơn, khoảng 7 độ hoặc hơn bằng các biện pháp như móng sâu, khung chống rung, giảm chấn động đất. Tuy nhiên, nếu động đất vượt quá 7 độ, ngay cả những tòa nhà tốt nhất cũng có thể bị hư hại, đặc biệt nếu xảy ra kéo dài hoặc có rung chấn mạnh.

“Đa số nhà cao tầng tại Việt Nam được thiết kế để chịu động đất khoảng 5,5-6,5 độ nhưng một số công trình quan trọng có thể chịu được hơn 7 độ nếu được thiết kế đặc biệt”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Chất lượng nhà ở tại Việt Nam hiện nay có mức độ chống chịu động đất rất khác nhau, tùy thuộc vào loại công trình, khu vực địa lý và tiêu chuẩn xây dựng.

“Đa số nhà ở tại Việt Nam chưa đạt chuẩn cao về khả năng chống chịu động đất. Trong đó, nhà ở tự xây, nhà cấp 4 rất dễ bị hư hỏng hoặc sập. Các chung cư, cao ốc mới có mức chống chịu khá hơn nhưng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn cao như Nhật Bản hay Mỹ”, ông nói.

Tòa nhà ở Thái Lan đổ sập sau khi chịu dư chấn của trận động đất tại Myanmar .
Ảnh: AFP

Để một công trình đảm bảo an toàn, ông Tống Văn Nga cho rằng tiêu chuẩn sẽ là sự tổng hòa của các khâu thiết kế, thi công lựa chọn vật liệu, giám sát công trình.

TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện Các khoa học trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, cho biết khi động đất xảy ra sẽ lan truyền sóng động đất và tác động lên bề mặt, càng ra xa, sóng càng yếu.

Việc người dân cảm nhận được động đất, rung chấn hay không phụ thuộc vào ba yếu tố chính: Một là khoảng cách, ở càng gần tâm chấn thì càng cảm nhận rõ; hai là nền đất, nền đất khác nhau sẽ rung lắc khác nhau; yếu tố thứ ba là công trình (độ cao, chất lượng công trình…).

Theo Trần Thành Công và Phạm Hồng Hạnh

Báo Dân Trí