Tin mới nhất

Đề xuất xây cầu vượt biển tại TP HCM

Đây là một phần của tuyến đường được xác định là trục giao thông quan trọng.
Ảnh minh hoạ Cầu vượt biển Cần Giờ

Mới đây, Sở Giao thông công chánh TP HCM có văn bản gửi Sở Xây dựng TP HCM và liên danh tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060, về tuyến đường ven biển phía Nam khu vực TP HCM.

Theo Quyết định 1454/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường ven biển đã được xác định là một trục giao thông quan trọng, kết nối TP HCM với Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuyến đường này dài 941km, đi qua 9 tỉnh, thành gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, TP HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Theo quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đã xác định tuyến đường ven biển phía Nam kết nối từ Tiền Giang qua huyện Cần Giờ (TPHCM) đến Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tuyến đường này sẽ bắt đầu từ Quốc lộ 50 (Tiền Giang), băng qua sông Soài Rạp để vào huyện Cần Giờ (TPHCM), kết nối với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng Phước An và kéo dài đến cao tốc Bến Lức – Long Thành (Đồng Nai).

Tổng chiều dài tuyến đường khoảng 45,5km (bao gồm 10,5km qua tỉnh Đồng Nai), với mặt cắt ngang rộng 50m, gồm 8 làn xe.

Trước mắt, giai đoạn 1 đề xuất đầu tư hai đường song hành, mỗi bên gồm 2 làn xe.

Sở Giao thông công chánh TPHCM đã phối hợp với Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải – CTCP (TEDI) nghiên cứu sơ bộ 3 phương án đầu tư tuyến đường ven biển phía Nam trên địa bàn TP HCM.

Phương án 1: Giai đoạn 1 tổng mức đầu tư 31.556 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (hoàn thiện 8 làn xe) có tổng mức đầu tư khoảng 6.400 tỷ đồng. Đây là phương án được tư vấn đề xuất lựa chọn.

Phương án 2 sẽ nối TP HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu qua cầu vượt biển Cần Giờ.

Phương án 2: Giai đoạn 1 đầu tư tuyến chính và đường kết nối với đường ven biển Bà Rịa – Vũng Tàu qua cầu vượt biển Cần Giờ. Phương án này giúp rút ngắn hành trình khoảng 40km so với quy hoạch ban đầu nhưng tổng vốn hơn 55.800 tỷ đồng. Giai đoạn 2 tổng mức đầu tư khoảng 6.400 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư cả hai giai đoạn lên tới 62.231 tỷ đồng.

Phương án 3: Giai đoạn 1 đầu tư tuyến chính và đường vào cảng Cái Mép. Tuyến này giúp rút ngắn hành trình khoảng 32 km so với quy hoạch ban đầu, tổng vốn gần 35.400 tỷ đồng. Giai đoạn 2 là 6.400 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư cả hai giai đoạn là 42.275 tỷ đồng.

Theo Dy Khoa

Tạp chí Nhịp Sống Thị Trường