Tin mới nhất

Đô thị lấn biển Cần Giờ: Kỳ vọng thành trung tâm mới của TP.HCM

Sau nhiều năm ấp ủ, hôm nay 19-4 dự án đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ rộng 2.870ha được khởi công với kỳ vọng tạo nên một siêu đô thị xanh, thông minh phát triển bền vững, trở thành trung tâm tài chính – kinh tế, sánh ngang với các đô thị thế giới.
Khu vực ven biển Cần Giờ, TP.HCM là nơi dự kiến hình thành đại đô thị lấn biển 2.870ha – Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Vậy là Cần Giờ – huyện khó khăn, cách trở và xa xôi nhất của TP.HCM hiện nay – đang hướng đến mục tiêu kép táo bạo: không chỉ xây dựng nên một siêu đô thị hơn 2.870ha (gấp hơn 7 lần diện tích quận 4), với 230.000 cư dân (gấp gần 3 lần dân số Cần Giờ hiện nay), mà còn sẽ tạo ra trung tâm mới của TP.HCM (sau khi sáp nhập thêm Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu).

Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm tài chính, kinh tế, sánh ngang với các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới.

Ông NGUYỄN PHƯỚC HƯNG, bí thư Huyện ủy Cần Giờ

Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ nằm ở vị trí trung tâm TP.HCM mở rộng, là nơi hội tụ các hạ tầng giao thông quan trọng của khu vực, đặc biệt là kết nối với Vũng Tàu – Dữ liệu: ĐỨC PHÚ – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Quyết tâm kiến tạo không gian mới

Đến Cần Giờ vào những ngày giữa cuối tháng 4, khu vực triển khai dự án đã bắt đầu nhộn nhịp với nhiều máy móc và thiết bị thi công.

Bí thư Huyện ủy Cần Giờ Nguyễn Phước Hưng chia sẻ: “Dự án không chỉ cho thấy khát vọng vươn lên, tầm nhìn chiến lược mà còn thể hiện mạnh mẽ quyết tâm kiến tạo không gian phát triển tương lai thịnh vượng cho TP.HCM”.

Với quy mô chưa từng có, dự án được ví như một cuộc “dời non lấp biển”. Nhưng hơn cả, dự án được kỳ vọng thay đổi vùng đất Cần Giờ, tạo nên một “hòn ngọc Viễn Đông” mới, nằm ở trung tâm của TP.HCM mở rộng.

Việc đánh thức, phát triển Cần Giờ thành khu đô thị nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch sinh thái đã là ý tưởng xuyên suốt 30 năm qua. Tầm nhìn này đã được cụ thể hóa trong Quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng phê duyệt gần đây.

Trong đó xác định rõ: Cần Giờ sẽ trở thành đô thị sinh thái, ưu tiên bảo tồn khu dự trữ sinh quyển, phát triển kinh tế biển, du lịch, đô thị sinh thái biển và năng lượng tái tạo.

Khu vực sẽ xây dựng khu đô thị lấn biển Cần Giờ với quy mô hơn 2.870ha – Ảnh: CHÂU TUẤN

Mở hướng ra biển

Khu đô thị rộng 2.870ha, trong đó phần lấn biển (theo giấy phép xây dựng hạng mục lấn biển Sở Xây dựng TP.HCM cấp ngày 15-4) là hơn 1.357ha. Bao gồm khu vực san nền là hơn 906ha, hồ nước hơn 450ha có độ sâu đáy hồ trung tâm từ 8 – 12m. 

Phần kè hồ hạng mục lấn biển có tổng chiều dài 76,67km và phần kè biển hạng mục lấn biển có tổng chiều dài gần 18km.

Toàn bộ đô thị được quy hoạch lấy mặt nước sinh thái làm trung tâm, gắn kết công trình đều mở hướng ra biển. Không gian cây xanh mặt nước, không gian xanh từ các công viên lớn len lỏi vào đến từng chân tòa nhà, công trình và không gian ở của người dân. 

Tổng diện tích đất cây xanh mặt nước và bãi cát là hơn 975ha gồm công viên, vườn hoa, sân vườn, đường đi dạo… 

Khu trung tâm đô thị sẽ có biển hồ nước mặn nhân tạo rộng khoảng 450ha, cộng với hệ thống kè biển dài gần 18km sẽ tạo ra diện tích bãi tắm rất lớn (được cải tạo sạch đẹp, không còn bùn) cho người dân và du khách. 

Tại khu C, mũi Hải Đăng – vị trí được đánh giá có phong cảnh tuyệt đẹp, sẽ xây dựng tháp kiến trúc 108 tầng. 

Quy hoạch chi tiết 1/500 cũng xác định tính chất dự án là khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, M.I.C.E (hội thảo, hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng), đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, khách sạn…

Phối cảnh khu C với điểm nhấn là tháp 108 tầng – Ảnh: VG

Tầm nhìn thịnh vượng

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, đây là dự án thể hiện tầm nhìn chiến lược tạo không gian phát triển tương lai thịnh vượng cho TP.HCM. Cần Giờ có vị trí địa lý đặc biệt và tiềm năng to lớn, là cửa ngõ hướng biển của TP.HCM. 

Khu vực này dễ dàng kết nối với Bà Rịa – Vũng Tàu, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai)… bằng những công trình giao thông hiện, đã và đang có chủ trương đầu tư. 

Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ ở vị trí rất thuận lợi để định hướng thành trung tâm tài chính – kinh tế, sánh ngang với các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới.

Điều quan trọng nhất theo ông Hưng, người dân Cần Giờ tin dự án sẽ là “cú hích” mở không gian phát triển mới, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo ra môi trường sống xanh, sạch, đẹp, văn minh và hiện đại. 

“Tôi tin dự án lấn biển Cần Giờ sẽ đánh thức tiềm năng, phát huy vị trí cửa ngõ quan trọng của TP.HCM”, ông Hưng nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Anh Vũ – viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM – cho biết dự án đô thị lấn biển Cần Giờ đã được duyệt quy hoạch chi tiết, theo đúng chủ trương, định hướng, pháp lý các cấp từ cao nhất. 

Dự án từ đầu đã thu hút rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các bộ ngành phân tích, đánh giá, góp ý trên các khía cạnh: từ quy hoạch, không gian, tổ chức giao thông, môi trường… đến những mặt lợi và bất lợi. Theo ông Vũ, điều đặc biệt ở dự án này là cải tạo bờ biển. 

Biển Cần Giờ là biển bùn, không tắm được nhưng dự án sẽ tạo nên những bãi tắm phục vụ nhu cầu tắm biển, giải trí, du lịch. Các khả năng dự án gián tiếp ảnh hưởng khu dự trữ sinh quyển cũng đã được tính toán, đo lường và có biện pháp để giảm thiểu.

Ông Vũ cũng cho biết lấn biển không phải là mô hình mới, rất nhiều quốc gia trên thế giới và cả ở Việt Nam nhiều tỉnh thành cũng đã làm từ lâu. 

Trước đây, trong các quy hoạch chung đều xác định xu thế chung của thế giới là đô thị phát triển hướng ra biển. TP.HCM lựa chọn hướng Cần Giờ để tiến ra biển là phù hợp với xu thế hiện đại.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và tâm thư về phát triển Cần Giờ
Trong bức thư gửi lãnh đạo TP.HCM vào năm 2002, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khẳng định tầm nhìn chiến lược về phát triển Cần Giờ thành khu đô thị nghỉ dưỡng, giải trí và du lịch đặc biệt.

Ông nhấn mạnh: “Tôi muốn nói rõ lại ý tưởng xuyên suốt của tôi trước đây cũng như hiện nay là xác định hướng Đông là Cần Giờ, cũng là Biển Đông, là khu đô thị nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch. Đây là một tổng thể gần gũi với vùng sinh thái độc nhất (Rừng Sác), khu đô thị này không chỉ quan trọng với nước ta mà ít nhất cũng ngang tầm khu vực Đông Nam Á”.

Cố Thủ tướng cũng khẳng định TP.HCM với khu vực đô thị mới này sẽ có hậu phương vững chắc, trực tiếp là hàng chục triệu dân của Đồng bằng sông Cửu Long.

TP.HCM với ý nghĩa trung tâm của cả vùng cũng có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của số dân trong khu vực. Đó là chưa kể đến số lượng do khách quốc tế tăng lên không ngừng. Phía bắc có địa đạo Củ Chi, phía đông có rừng Sác và khu đô thị tương lai cùng bãi biển Cần Giờ sẽ góp phần đáp ứng những nhu cầu của các du khách khó tính nhất…

Mô hình mới trong chủ trương ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân
Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ do Tập đoàn Vingroup thực hiện thể hiện rõ việc hiện thực hóa chủ trương ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân của Tổng Bí thư Tô Lâm. Đây là thời điểm “chín muồi” hội tụ đủ ba yếu tố để thu hút tập đoàn lớn của Việt Nam đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm.

Thứ nhất là hạ tầng, là “nút thắt” lớn, phải giải cho được để phát triển kinh tế. Thứ hai, ngân sách nhà nước đang thiếu hụt trong khi dư địa để vay vốn ưu đãi giá rẻ từ các định chế tài chính quốc tế thu hẹp.

Thứ ba, bản thân các tập đoàn lớn của Việt Nam đã lớn mạnh, đủ “trưởng thành” để đầu tư, vận hành các dự án hạ tầng lớn với hiệu quả tối ưu vượt trội khu vực nhà nước.

Dự án này cũng mở ra giai đoạn mới để Chính phủ và các địa phương phát triển hạ tầng theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Từ đây, Chính phủ và các địa phương cần mạnh dạn giao tập đoàn trong nước thực hiện cơ chế PPP, rút ngắn quy trình và thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tối đa tiến độ.

Chính phủ nên thuê thêm các đơn vị tư vấn (trong và ngoài nước) xuất sắc về năng lực kỹ thuật để tư vấn về pháp lý, về năng lực giám sát kỹ thuật để hỗ trợ cơ quan nhà nước đảm bảo lợi ích hợp pháp của Nhà nước; của đơn vị đầu tư trong tiến trình này.

Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông – IPS)

Việt Nam đã có 80 khu lấn biển
Luật Đất đai 2024 lần đầu tiên đã luật hóa hoạt động lấn biển tại điều 190, nêu rõ chủ trương của Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển, có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển theo quy định của pháp luật.

Phải bảo đảm các nguyên tắc: quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; đánh giá đầy đủ về kinh tế – xã hội, môi trường; phù hợp với quy hoạch; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển; bảo đảm hài hòa lợi ích của tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động lấn biển và tổ chức, cá nhân khác có liên quan; bảo đảm quyền tiếp cận với biển của người dân, cộng đồng…

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đến nay Việt Nam có khoảng 80 dự án lấn biển tại 19 tỉnh, thành phố.

Điển hình là dự án khu đô thị lấn biển Rạch Giá (Kiên Giang) được phê duyệt chủ trương vào năm 1999, diện tích 420ha; dự án khu đô thị quốc tế lấn biển Đa Phước (Đà Nẵng) rộng 210ha; dự án khu đô thị Hạ Long Marina Quảng Ninh 287ha; khu du lịch quốc tế Đồi Rồng Đồ Sơn (Hải Phòng) 480ha…

Hoặc quy hoạch của tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có định hướng phát triển 50.000ha về hướng biển, lấn biển để tạo đà phát triển.

Theo ÁI NHÂN – ĐỨC PHÚ – TIẾN LONG

Báo Tuổi Trẻ