Tin mới nhất

Đồng Nai chốt phương án xây cầu Cát Lái

Sau nhiều lần bàn bạc, tính toán các phương án xây cầu thay phà Cát Lái nối Đồng Nai với TP.HCM, kể cả phương án xây hầm vượt sông, tương tự hầm Thủ Thiêm, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai quyết định chọn phương án xây cầu có điều chỉnh hướng tuyến…

Phà Cát Lái hiện hữu nối Thủ Đức (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai. ẢNh: Anh Chiến
Phà Cát Lái hiện hữu nối Thủ Đức (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai. ẢNh: Anh Chiến

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với đơn vị tư vấn liên quan dự án đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.

Báo cáo tại cuộc họp, đơn vị tư vấn đã nêu ra 3 phương án thay thế phà Cát Lái hiện hữu gồm cầu vượt sông, hầm dìm (như hầm Thủ Thiêm) và hầm khoan. Tuy nhiên, trong 3 phương án này, tư vấn cho rằng phương án xây cầu vượt sông có chi phí thấp nhất, khả thi nhất và thời gian thi công ngắn hơn.

Theo tính toán ban đầu, tổng chiều dài tuyến nghiên cứu (gồm đường dẫn hai đầu cầu) hơn 11,3 km với 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế từ 80 – 100 km/h. Công trình có điểm đầu trên đường Nguyễn Thị Định, cách nút giao Mỹ Thủy (Thủ Đức, TP.HCM) khoảng 400 m; điểm cuối kết nối vào đường cao tốc Bến Lức – Long Thành thuộc địa bàn huyện Nhơn Trạch.

Tổng mức đầu tư theo 3 phương án như sau: Xây cầu Cát Lái khoảng 19.000 tỷ đồng; làm hầm dìm hơn 24.500 tỷ đồng và hầm khoan là trên 33.000 tỷ đồng. Với phương án làm cầu, phần hướng tuyến đường dẫn cầu Cát Lái thuộc địa bàn huyện Nhơn Trạch, quá trình triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hướng tuyến dự án theo quy hoạch có sự chồng lấn của một số dự án, khu di tích lịch sử quốc gia với chỉ giới xây dựng tuyến đường.

Với phương án hầm dìm, hầm sẽ được xây dựng ở độ sâu khoảng 3 m so với mặt đất hiện hữu, chiều dài hầm qua sông 800 m (gấp đôi so với hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn). Tuy nhiên, phương án này do hầm dài nên quá trình xây dựng có nhiều thách thức.

Về phương án hầm khoan, đây là loại hầm được xây dựng ở độ sâu hàng chục mét so với mặt đất hiện hữu mới bảo đảm an toàn, trong khi độ sâu nước sông đoạn làm hầm chỉ khoảng 18 m. Theo nhận định của đơn vị tư vấn, quá trình thi công hầm khoan rất phức tạp và chỉ phù hợp khi phải làm hầm dài. Ngoài ra, chi phí vận hành, bảo trì, bảo quản hàng năm, thì đối với hầm vượt sông sẽ tiêu tốn khoảng 100 tỷ đồng, trong khi đối với cầu thì chỉ khoảng 10 tỷ đồng.

Qua các phân tích trên, đồng thời cân nhắc lợi thế của các phương án thay phà Cát Lái, đơn vị tư vấn đã tham vấn, đề nghị chọn phương án xây cầu (phương án mà 2 địa phương TP.HCM và Đồng Nai từng chọn trước đây) để tiết kiệm kinh phí, rút ngắn thời gian đầu tư. Đồng thời kiến nghị lựa chọn phương án điều chỉnh hướng tuyến qua khu vực bảo vệ di tích địa điểm vụ thảm sát Giồng Sắn.

Về trường hợp chồng lấn quy hoạch, di tích lịch sử quốc gia đối với phương án làm cầu, đơn vị tư vấn cũng cho biết như sau. Với trường hợp chồng lấn quy hoạch giữa tuyến đường với khu dân cư Tân Phú Hữu, khu dân cư sinh thái và nhà vườn Sen Việt, đề xuất phương án sẽ điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Với phần diện tích chồng lấn giữa tuyến đường với khu vực bảo vệ di tích thảm sát Giồng Sắn, đề xuất các phương án xây dựng cầu cạn trên cao, xây dựng hầm chui và điều chỉnh nắn tuyến qua khu vực này.

Chốt phương án, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, thay mặt lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, cho biết thống nhất với phương án điều chỉnh hướng tuyến mà đơn vị tư vấn đề xuất lựa chọn. Đồng thời, bà Hoàng đề nghị đơn vị tư vấn phối hợp với Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch tiếp tục khảo sát để hoàn thiện phương án điều chỉnh hướng tuyến vừa tránh được khu vực bảo vệ di tích địa điểm vụ thảm sát Giồng Sắn cũng như hệ thống lưới điện trong khu vực.

Dự án cầu thay phà Cát Lái có ý nghĩa rất quan trọng trong kết nối giao thông trực tiếp giữa thành phố Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch vào tháng 5/2017.