Thủ tục Việt kiều mang tiền mặt về Việt Nam
Chuyên gia khẳng định Việt kiều khi mang tiền mặt về nước cần nắm thủ tục khai báo, cũng cần lưu ý các quy định liên quan đến phòng, chống rửa tiền để tránh vi phạm pháp luật.
Khi nhập cảnh vào Việt Nam, hành khách là Việt kiều hay người nước ngoài có thể mang theo tiền mặt (bao gồm ngoại tệ và đồng Việt Nam). Tuy nhiên, nếu số tiền vượt quá mức quy định, bắt buộc phải khai báo với cơ quan hải quan.
Luật sư Bùi Ngọc Hùng Đức (Công ty luật Viên An, Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết quy định này nhằm kiểm soát dòng tiền, phòng chống vận chuyển tiền trái phép và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Ngoài việc khai báo đúng quy định, hành khách cũng cần lưu ý các quy định liên quan đến phòng, chống rửa tiền để tránh vi phạm pháp luật.
Luật sư Đức cũng hướng dẫn cụ thể từng thủ tục để Việt kiều nắm rõ và làm theo để tránh gặp rủi ro pháp lý không đáng có.

ẢNH DO LUẬT SƯ CUNG CẤP
Mức tiền mặt phải khai báo khi nhập cảnh
Theo quy định hiện hành, khi nhập cảnh vào Việt Nam, bạn phải khai báo với hải quan nếu:
Ngoại tệ tiền mặt: Trên 5.000 USD (hoặc tương đương bằng ngoại tệ khác).
Đồng Việt Nam tiền mặt: Trên 15 triệu.
Trường hợp mang ngoại tệ dưới 5.000 USD nhưng có nhu cầu gửi vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ tại ngân hàng ở Việt Nam, bạn cũng phải khai báo.
Quy trình khai báo tiền mặt nhập cảnh
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
- Hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh hợp lệ. Tờ khai hải quan (có thể lấy tại quầy hải quan hoặc điền trực tuyến nếu có hỗ trợ). Giấy tờ chứng minh nguồn gốc số tiền (nếu được yêu cầu).
- Bước 2: Thực hiện khai báo tại cửa khẩu
- Khi đến khu vực kiểm tra hải quan tại sân bay hoặc cửa khẩu quốc tế, hành khách phải xuất trình tờ khai hải quan đã điền đầy đủ thông tin về số tiền mặt mang theo. Cơ quan hải quan sẽ kiểm tra, đối chiếu thông tin và có thể yêu cầu giải trình về nguồn gốc số tiền nếu cần thiết.
- Bước 3: Nhận xác nhận khai báo và hoàn tất thủ tục
Nếu hồ sơ hợp lệ, hải quan sẽ xác nhận vào tờ khai hải quan và hành khách có thể tiếp tục nhập cảnh. Nếu không khai báo hoặc khai báo sai số tiền, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Những lưu ý để tránh vi phạm quy định về phòng, chống vận chuyển tiền và rửa tiền
- Ngoài việc tuân thủ quy định khai báo, hành khách cần lưu ý một số vấn đề quan trọng để tránh vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền và vận chuyển tiền trái phép:
- Không mang tiền mặt vượt mức quy định mà không khai báo: Việc mang tiền mặt quá mức cho phép mà không khai báo có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị tạm giữ số tiền để điều tra.
- Chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tiền: Nếu mang theo số tiền lớn, hành khách nên chuẩn bị các giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp như hợp đồng lao động, bảng lương, giấy tờ giao dịch ngân hàng, giấy xác nhận chuyển tiền hợp pháp.
- Không nhận vận chuyển tiền hộ người khác: Nếu bị phát hiện vận chuyển tiền trái phép, bạn có thể bị xử lý hình sự ngay cả khi không biết rõ nguồn gốc số tiền.
- Tránh giao dịch tiền mặt bất hợp pháp: Nếu bạn bị phát hiện có liên quan đến các hành vi giao dịch tiền mặt bất hợp pháp, có thể bị xử lý theo quy định về phòng, chống rửa tiền.
- Chỉ thực hiện chuyển tiền qua kênh chính thức: Để đảm bảo an toàn, hành khách nên sử dụng các dịch vụ chuyển tiền quốc tế hợp pháp thay vì mang theo số tiền lớn.
Cơ sở pháp lý
- Thông tư 15/2011/TT-NHNN quy định về mức ngoại tệ và đồng Việt Nam tiền mặt phải khai báo khi xuất nhập cảnh.
- Thông tư 120/2015/TT-BTC hướng dẫn về thủ tục khai báo trên tờ khai hải quan.
- Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, quy định về các biện pháp kiểm soát giao dịch tiền mặt và chống vận chuyển tiền trái phép.
- Nghị định 88/2019/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Việc tuân thủ đúng quy định về khai báo tiền mặt khi nhập cảnh vào Việt Nam không chỉ giúp Việt kiều hoặc hành khách khác tránh các rủi ro pháp lý mà còn đảm bảo thủ tục diễn ra nhanh chóng, thuận lợi…
Nếu có thắc mắc, nên liên hệ với cơ quan hải quan hoặc ngân hàng để được tư vấn chi tiết.
Theo Phan Thương
Báo Thanh Niên