Tin mới nhất

Thúc đẩy nhiều dự án hạ tầng quan trọng vùng Đông Nam Bộ

Chiều 2-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính – chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ – đã chủ trì hội nghị lần thứ 5 của hội đồng.

Thúc đẩy nhiều dự án hạ tầng quan trọng vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 1.
Siêu tàu container cập cảng Cái Mép – Thị Vải – Ảnh: Đ.H

Tham dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo các địa phương trong vùng.

Đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường vành đai 4

Đáng chú ý, lãnh đạo TP.HCM trình bày phương án đầu tư tổng thể Dự án xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM; Báo cáo của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, đường vành đai 4 TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tháng 9-2021.

Theo đó, đây là tuyến vành đai cao tốc đi qua năm tỉnh, TP: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM. Đến nay UBND TP.HCM đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đã trình Chính phủ vào cuối tháng 11 vừa qua.

Theo đó sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án này là hơn 122.750 tỉ đồng, có chiều dài khoảng 160km. Riêng đoạn qua tỉnh Bình Dương dài gần 49km do tỉnh này đầu tư độc lập.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng giao TP.HCM tiếp tục là chủ đầu tư dự án đường vành đai 4, chia ra các dự án thành phần, tách dự án thành phần của Bình Dương ra làm trước.

Liên quan dự án cảng Cần Giờ, đề nghị các bộ rà soát lại, xử lý dứt điểm trong tháng 12-2024. Đối với đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, cần triển khai các thủ tục cần thiết để cơ bản hình thành cơ chế, chính sách trong quý 1-2025, trên cơ sở đó kêu gọi đầu tư.

Thủ tướng cũng giao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ động phối hợp, báo cáo về xây dựng dự án Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, dự án điện gió ngoài khơi.

Ngoài ra Đồng Nai rà soát lại dự án sân bay Long Thành. Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương liên quan đến các dự án cao tốc, các tuyến đường sắt kết nối.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương để đạt những kết quả tốt trong thời gian qua.

Nhưng lưu ý các điểm nghẽn còn tồn tại cần được nhanh chóng tháo gỡ. Thủ tướng cũng chỉ rõ hạn chế, tồn tại mà các tỉnh thành trong vùng cần sớm khắc phục. Đó là tăng trưởng có xu hướng chậm lại.

Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp hơn cả nước. Công nghiệp tăng trưởng trở lại nhưng cần bền vững hơn. Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, nhất là cảng còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Nếu như từ nay đến quý 1-2025 còn nhiều vướng mắc thì mạnh dạn đề xuất để Chính phủ giải quyết, hoặc Chính phủ đề xuất Quốc hội theo thẩm quyền.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thúc đẩy các dự án hạ tầng quan trọng ở Đông Nam Bộ

Thúc đẩy nhiều dự án hạ tầng quan trọng vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 2.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại hội nghị – Ảnh: ĐÔNG HÀ

Tiếp tục ưu tiên tăng trưởng

Thủ tướng nhấn mạnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu trong năm 2025 tăng trưởng hai con số.

Thủ tướng chỉ ra giải pháp để đạt được mục tiêu này. Thứ nhất, đột phá của đột phá là thể chế. Thứ hai, muốn tăng trưởng phải thúc đẩy và làm mới ba động lực tăng trưởng, gồm đầu tư phát triển, xuất khẩu và tiêu dùng, đặc biệt là đầu tư công.

Cùng với đó là phát triển các động lực mới như kinh tế số, xanh, tuần hoàn, chia sẻ, trí thức, ban đêm. Thứ ba là nguồn nhân lực chất lượng cao với các lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao.

“Thứ tư là quản trị, phải thay đổi, cơ cấu lại cách quản trị để thông minh hơn, sử dụng công nghệ số nhiều hơn.

Tiếp đến là vấn đề quản lý liên quan đến an ninh trật tự, tránh lãng phí. Thứ sáu là phải đề xuất chung các cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn chung cho toàn vùng”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng lưu ý chú trọng quản lý, trong đó tập trung nhất là tránh lãng phí. Cuối cùng là xây dựng, đề xuất các cơ chế chính sách chung tháo gỡ khó khăn cho toàn vùng.

“Tin tưởng với sự quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân trong vùng, tôi tin chắc chúng ta sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số cho vùng Đông Nam Bộ trong năm 2025”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thúc đẩy nhiều dự án hạ tầng quan trọng vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 6.
Một góc cảng biển Cái Mép – Thị Vải – Ảnh: ĐÔNG HÀ

Nâng cao cạnh tranh ngành logistics Việt Nam

Sáng cùng ngày, tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã diễn ra diễn đàn logistics Việt Nam 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự diễn đàn và phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn cùng với 17 hiệp định thương mại tự do với gần 70 quốc gia, vùng lãnh thổ…

Do vậy Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có nhiều tiềm năng, điều kiện để phát triển dịch vụ logistics…

Bên cạnh đó, diễn đàn cũng nghe nhiều tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp.

Trong đó hầu hết đều nhấn mạnh tầm quan trọng của khu thương mại tự do đối với sự phát triển dịch vụ logistics vì đây là “mạch máu” của nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực mà ngành logistics đã làm được trong thời gian qua.

Chỉ ra những hạn chế lớn của ngành logistics Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc phát triển khu thương mại tự do như một động lực quan trọng để thúc đẩy ngành logistics và tạo cơ hội lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam, thu hút đầu tư, tối ưu hóa dòng chảy hàng hóa, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

“Các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối, xây dựng chính sách thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhằm khai thác tối đa tiềm năng của khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành.

Điều này không chỉ góp phần phát triển mạnh mẽ ngành logistics, mà còn hỗ trợ nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” – Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.

Để tạo nên diện mạo mới cho ngành logistics Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành liên quan triển khai ba mục tiêu, bảy nhiệm vụ.

Trong đó mục tiêu giảm chi phí logistics từ 18% xuống 15%; nâng quy mô của logistics trong GDP của cả nước từ 10% lên 15%, phấn đấu 20%. Nâng quy mô ngành dịch vụ logistics của Việt Nam trong tổng quy mô của thế giới từ 0,4% thành 0,5%, phấn đấu 0,6%. Tốc độ tăng trưởng của ngành từ 14% đến 15%, tăng lên 20%.

Để đạt được ba nhiệm vụ trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai bảy nhóm giải pháp.

Trong đó cần nâng cao nhận thức, vai trò của logistics trong phát triển kinh tế đất nước, xác định vai trò vị trí của Việt Nam là trung tâm của khu vực Thái Bình Dương để khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội; Thể chế phải thông thoáng để giảm chi phí, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Giảm chi phí đầu vào, tăng cạnh tranh

Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng hạ tầng logistics thông suốt, giảm chi phí đầu vào, tăng cạnh tranh.

Phát triển hàng không, hàng hải đường sắt tốc độ cao; Ngoài ra phải xây dựng quản trị thông minh, đào tạo nhân lực chất lượng cao; Đẩy mạnh ngoại giao logistics và hiện đại hóa nội địa;

Xây dựng phát triển quốc gia thương mại tự do; Kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông, kết nối với các khu thương mại tự do của thế giới, kết nối với hệ thống giao thông quốc tế.

Hoàn thiện hạ tầng logistics vùng Đông Nam Bộ

Theo ông Phạm Viết Thanh – bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, việc hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ chính là một bước đi chiến lược để hoàn thiện hạ tầng logistics vùng Đông Nam Bộ.

“Do đó cần sớm hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị Vải một cách đồng bộ; tạo ra lợi thế cạnh tranh tuyệt đối của quốc gia để làm mới động lực cũ, tạo ra động lực mới trong thu hút đầu tư thế hệ mới trong không gian dịch vụ – công nghiệp – đô thị trên hành lang kinh tế Đông Tây từ Mộc Bài đến Cái Mép – Thị Vải” – ông Phạm Viết Thanh đề xuất.